PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SỎI NIỆU QUẢN VÀ CAN THIỆP ĐIỀU TRỊ SỎI NIỆU QUẢN TẠI BỆNH VIỆN II LÂM ĐỒNG
01/10/2024
PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ SỎI NIỆU QUẢN VÀ CAN THIỆP ĐIỀU TRỊ SỎI NIỆU QUẢN TẠI BỆNH VIỆN II LÂM ĐỒNG
Chia sẻ:
Sỏi niệu quản là một vấn đề sức khỏe phổ biến, gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, do đó việc nắm rõ các phương pháp điều trị là rất quan trọng.
Điều trị sỏi niệu quản gồm: điều trị bằng thuốc và điều trị bằng các phương pháp can thiệp. Điều trị bằng thuốc khi kích thước sỏi nhỏ, di chuyển xuống thấp, chưa gây biến chứng.
Căn cứ vào triệu chứng và tình trạng sức khỏe của người bệnh, một số nhóm thuốc sau thường được chỉ định:
- Thuốc giảm đau, chống viêm: Giúp xoa dịu cơn đau quặn thận và những khó chịu do sỏi.
- Thuốc giãn cơ trơn tiết niệu: Để giãn rộng đường kính niệu quản giúp viên sỏi di chuyển dễ dàng hơn.
- Thuốc kiềm hóa nước tiểu: Giúp điều chỉnh pH nước tiểu.
- Thuốc giảm nồng độ các khoáng chất: Thuốc giảm acid uric khi bị sỏi acid uric.
- Thuốc lợi tiểu, tăng lưu lượng nước tiểu.
Các Phương Pháp Can Thiệp Điều Trị Sỏi Niệu Quản tại Bệnh viện II Lâm Đồng
Tại Khoa Ngoại Tổng Quát Bệnh viện II Lâm Đồng, nhiều bệnh nhân mắc sỏi niệu quản đã được điều trị bằng các phương pháp can thiệp. Khi sỏi có kích thước lớn hơn 6mm và gây ứ nước, giãn đài bể thận mà không đáp ứng với điều trị nội khoa, bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật điều trị như sau:
Đặt sonde JJ cấp cứu:
- Thực hiện trong trường hợp sỏi gây ứ nước và nhiễm trùng hoặc sốc nhiễm trùng.
- Thủ thuật này đưa dây dẫn JJ (có hai đầu cong) qua viên sỏi để dẫn lưu mủ và nước tiểu nhiễm trùng xuống bàng quang, giúp cải thiện triệu chứng nhiễm trùng nhanh chóng và ngăn chặn sốc nhiễm khuẩn huyết.
Tán sỏi ngoài cơ thể:
- Phương pháp này áp dụng cho sỏi dưới 20mm, nằm ở vị trí sát thận (khúc nối bể thận niệu quản hoặc 1/3 trên niệu quản).
- Sỏi sẽ được tán thành các mảnh nhỏ nhờ sóng xung kích có tần số cao, rồi theo dòng nước tiểu trôi ra ngoài một cách tự nhiên.
Hệ thống máy tán sỏi ngoài cơ thể Bệnh viện II Lâm Đồng
Tán sỏi nội soi ngược dòng: luồn một thiết bị nội soi bán cứng từ niệu đạo, qua bàng quang lên đến niệu quản, tiếp cận viên sỏi niệu quản và sử dụng năng lượng LASER để phá hủy trực tiếp sỏi thành những vụn nhỏ rồi hút ra ngoài.
Tán sỏi ngược dòng bằng ống mềm (trong tương lai):
- Đây là phương pháp tán sỏi mà bác sĩ dùng một ống nội soi mềm đi ngược chiều (cũng giống như tán sỏi ống bán cứng) từ Niệu Đạo lên Bàng Quang đến Niệu Quản- Đài Bể Thận.
- Tiếp cận vị trí có sỏi có thể lên đến các đài thận và bể thận. dùng năng lượng LASER để phá vỡ viên sỏi thành nhiều mảnh vụn nhỏ.
- Những mảnh sỏi lớn sẽ được dụng cụ nội soi đưa ra ngoài theo đường tự nhiên. Những mảnh sỏi vụn nhỏ tự tống xuất ra khỏi cơ thể theo đường nước tiểu. Ưu điểm là có thể đến được các đài thận.
Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi:
Phương pháp này cho phép tiếp cận sỏi niệu quản qua vùng sau phúc mạc bằng ba troca. Bác sĩ sẽ bộc lộ niệu quản và thực hiện một rạch nhỏ để lấy sỏi ra ngoài, có thể áp dụng để lấy sỏi bể thận ngoại xoang và sỏi san hô (trong tương lai).
- Mổ mở lấy sỏi niệu quản: áp dụng khi viên sỏi quá lớn, bị mắc kẹt trong các đoạn hẹp niệu quản. cần phải chỉnh sửa đoạn hẹp hoặc kết hợp với lấy sỏi nhiều vị trí niệu quản và trong thận Thời gian hồi phục tương đối lâu.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị sỏi niệu quản phụ thuộc vào kích thước, vị trí sỏi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu và an toàn.
Nguồn: BSCKII. Nguyễn Quang Đức
635 Lượt xem
Không có bình luận nào cho bài viết.
Bạn có nhu cầu hỗ trợ tư vấn về y tế
Hãy liên hệ với chúng tôi ngay để nhận được những lời khuyên hữu ích